Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014

Chuyện nghề thi công 5


Thằng phó phòng hơn tôi năm tuổi, cũng có trình độ. Nhưng cái trình độ ấy chưa đủ để đưa nó lên chức phó phòng. Một sự thoả thuận cơ chế và một chiếc ô đã đưa một chú trống choai lên vị trí quản lý tối thiểu trong phòng. Nó đã thật nhầm lẫn khi nghĩ rằng một thằng có thể làm được thơ thì không thể làm được cái gì khác gây hại đến nó. Cái giả tạo nhất là trong văn chương và nó khó đến bất lực và vì vậy chẳng nên ngạc nhiên khi kẻ gây hại là kẻ đã tách bỏ lớp bọc giả tạo như một con rắn lột xác và mổ một nhát trí tử. Làm thơ hay viết văn (cứ dễ dãi tạm coi nghệ thuật sắp đặt câu cho có vần là làm thơ viết văn) là một việc khó và không chỉ có thế, tại sao người ta không làm được những điều khó tương tự ở lĩnh vực khác?
Tôi đã từng viết trong quyển sổ thường để trên bàn làm việc
Ta nhảy nhót trên những cái gai
Và xua đuổi từng bầy sâu bọ
Đem cái chết để bảo toàn cái đẹp
Ôi! Những bông hoa diệu kỳ của tạo hoá
Và trong một lần vô tình ghé qua cô bé của tôi đã bắt gặp.Viết gì thế? Vi hỏi cùng cái bĩu môi đáng yêu thường thấy. Tôi biết những người được đào tạo cơ bản như Vi rất khó chịu với những thứ lởm khởm thiếu chuyên nghiệp. Trở lại chuyện thằng phó phòng, tôi nghĩ sẽ có ngày tôi xử lý nó, nếu nó vẫn cư xử với tác phong không phải của một lãnh đạo.

Tính cách Vi không khó hiểu. Tôi thấy hai con người trong Vi. Một nửa lãng mạn và bùng nổ đến không ngờ. Nửa còn lại là dạng phụ nữ thấm nhuần Á đông mà dạng biểu hiện của nó chẳng khác gì với bản năng ngàn đời được di truyền lại từ tổ tiên. Mẫn cảm và luôn tìm cảm giác an toàn để trú ẩn cho cảm xúc mỗi lúc nó có dấu hiệu bị đe doạ.Tôi gọi hai thái cực ấy là thất thường. Nó cụ thể hơn cái cách gọi của những nhà ngôn ngữ hay dùng là đa nhân cách. Tôi không thích phép so sánh nếu các đối số là những cô gái. Nó có vẻ vớ vẩn nhưng thực tế là tôi đã không cưỡng lại nổi sự hấp dẫn của mối quan hệ với Vi. Nó khác hẳn với Phương, với Thanh, những người tôi đã yêu. Có lẽ lý do của chuyện này tôi không nên nói ra vì ai cũng có thể hiểu. Chúng ta đang sống trong một thế giới thật hỗn độn. Cả về tinh thần lẫn vật chất đều có thể được nhìn nhận như thế. Hàng ngày, có cơ man là chuyện xảy ra và nó tác động đến chúng ta một cách vô thức hoặc có chủ đích và có nhiều lúc bản thân cảm thấy thiếu điểm tựa vững chắc cho hệ tư tưởng. Tôi biết Vi yếu đuối trong từng thời điểm và phải nói rằng tôi cũng láu cá khi luôn nhận ra nó đúng lúc. Cái yếu đuối ấy lại vô tình rơi vào sự đồng cảm của những người có suy nghĩ rất quái đản như tôi. Vốn tự tin mình có nhiều thứ đến nỗi sau khi đã tốt nghiệp đại học mấy năm và vài cuộc tình tẻ nhạt nên hiện thời tôi vẫn chưa có người yêu. Sự khó tính cũng thật tệ, nó đã làm chậm đi hạnh phúc của một cuộc sống gia đình.Vi cũng thật đáng yêu. Đã vài lần tôi tự hỏi tại sao đây chưa phải là điểm kết thúc của sự kiếm tìm vô vọng của bản thân? Nhưng ý nghĩ ấy ngay lập tức biến mất khi luồng điện Nho giáo luôn tồn tại trong tôi nhắc nhở về sự an toàn khi sở hữu giới nữ. Đàn ông vốn vẫn thế, sợ sự bình đẳng với phái nữ trong khi ra sức rêu rao về sự tôn trọng thật lòng với họ. Và bây giờ tôi còn biết tôi có thêm một thứ nữa, sự khốn nạn có hệ thống.
Sau Tết Nguyên đán thì mùa đông cũng sắp qua, gần một tuần chúng tôi không liên lạc với nhau. Công trường nơi tôi đang xây dựng nằm ở ngoại ô, phía thành phố đã có định hướng phát triển. Tiến độ xây dựng cấp trên ép xuống được cụ thể hoá bằng sự bận rộn đến chóng mặt. Hôm nay là một ngày không vui với tôi. Đầu tuần tôi đã làm Vi giận. Rõ ràng là tôi sai khi đã vi phạm nguyên tắc cấm trong thoả thuận. Sức ép căng thẳng trong công việc và những ly rượu cuối cuộc họp giao ban đã đưa những ý nghĩ của tôi về người thứ ba mơ hồ thoát ra khỏi cái đầu bùng nhùng. Vi không nói và bỏ đi. Tôi biết sự nhạy cảm và tự ái của cô ấy đều đã bị xâm phạm. Sáng nay trong lúc từ nhà đến công trường tôi thấy Thanh đi ngược chiều trên một chiếc xe. Thanh đi với một người có đôi kính trắng và trông rất đàn ông. Họ đang cười với nhau về một chuyện gì đó. Trông Thanh vẫn hiền dịu và đáng yêu. Tự nhiên tôi cảm thấy ghét phụ nữ, nhất là những cô vừa hiền vừa xinh. Buổi tối, ở nhà một mình. Tầng thượng gió rất mát và là nơi lý tưởng để ngồi uống một thứ gì đó. Lấy chai Ken nhỏ vì dường như vẫn có cảm giác sợ rượu tôi ngồi trên chiếc ghế tựa ẩn trong bóng tối. Ở một ví trí cao hơn mặt đất khá nhiều và thả cảm xúc tự do tôi với lấy cây đàn cũ từ thời sinh viên. Chẳng có một thứ tự nào và tôi tha hồ vung vẩy những ý nghĩ của mình trên đầu ngón tay. Một bản dân ca đồng quê Mỹ chợt được nhớ ra đang được cover lại rất méo mó và cách điệu. Thi thoảng tôi dừng tay và không quên với lấy cái chai để trên chiếc ghế bên cạnh. Đúng lúc đó tôi chợt nhận ra không chỉ có mỗi mình tôi đang chơi đàn. Có một người nữa đang ở cách tôi không quá xa nhưng không ở một chỗ tối như tôi cũng đang cầm guitar. Điều quan trọng hơn, bên cạnh anh ta là một cô gái và cô ấy đang rất chăm chú lắng nghe. Tôi lại cảm thấy không được thoải mái lắm. Sự trùng lặp khiến tôi ném cây đàn xuống bên cạnh và vồ lấy những gì có thể uống được. Tôi ngửa mặt lên ném cái nhìn vô thức vào khoảng không. Bầu trời đầy sao lấp lánh hơi gợn mây và có thể nói là đẹp. Những cuộc yêu đương không nên bỏ lỡ trong không gian như thế này. Tiếng gió giống như tiếng côn trùng đang vào mùa giao phối và trong không gian chật hẹp của đô thị ồn ã nó thật lạ lẫm. Tôi thiếp đi trong gió và tiếng đêm. Trong giấc mơ thấp thoáng những cánh hoa phượng của ngày ra trường và đôi lúc đan xen bởi sự ầm ỹ của đám máy móc trùi trũi nơi công trường.


Hôm nay tôi gặp lại Phương, một người cũ. Chúng tôi đã có thời rất hãnh diện về nhau và về tình yêu học trò của mình. Phương kém tôi một tuổi, xinh xắn, có nét duyên dáng thuần túy Á đông. Nếu có lúc nào đó một thằng đàn ông nghi ngờ về tuýp người phụ nữ làm mình rung động thực sự, hãy nhớ về mối tình đầu. Dù cuộc sống có biến đổi bao nhiêu đi nữa, dù có trải nghiệm và thỏa mãn với bao cuộc tìm kiếm chăng nữa thì cũng sẽ đến một lúc ta cảm thấy trống rỗng và thèm được yêu như lần đầu tiên. Buổi trưa cuối tuần, tôi ăn cơm một mình ở nhà hàng nhỏ gần công trường. Hai đồng nghiệp của tôi một đi ăn cưới, một về với vợ ở quê. Đúng lúc tôi bước vào thì Phương đứng lên thanh toán tiền. Lại một cái quán nhỏ nữa, quán nước ở ngoại ô thực ra lại rất phù hợp cho những cuộc trò chuyện như thế này. Quán trưa vắng, guitar không lời vừa đủ để hai người nói về ngày xưa. Phương đã có người yêu, có vẻ như hai người sắp tổ chức đám cưới vào năm sau. Phương làm kế toán cho một công ty trách nhiệm hữu hạn. Công việc có vẻ không bận rộn lắm, việc thăm một đối tác như hôm nay là bất thường. Người yêu của Phương tôi biết, một anh chàng nhà phố cổ, khá đẹp trai, có học thức nhưng hơi ghen. Còn nhớ cách đây khoảng một năm, cũng trong một lần gặp gỡ dạng như thế này, Phương đã phàn nàn về sự rắc rối liên quan đến ghen. Tôi lại cho rằng, ghen là tốt, trong thời nay, một thằng đàn ông đáng giá như thế mà còn biết ghen với vợ quả là không nhiều. Cũng như lần trước Phương không nói gì hơn về vấn đề này. Nhưng tôi biết, Phương sẽ an lòng hơn.
Những chuyện như thế sẽ trôi lững lờ qua cuộc đời và tôi thấy nó vô vị. Thay đổi môi trường là việc chắc chắn phải làm. Tôi độc thân và ít vướng víu, đôi khi tôi mơ mình đang ở Paris hoặc đâu đó tại nước Mỹ. Được cảm nhận thực tế những nơi phồn hoa và phát triển luôn là khát khao trong tôi. Chí ít, cũng phải hướng tới một khu vực ở châu Á cho thực tế, Singapore chẳng hạn. Nhưng việc đầu tiên tôi phải xuống công trường, nơi thật vất vả và gần nhất với cuộc sống thực tại. Đại loại tôi muốn mình phải thực tế lại trước khi bước vào một cuộc phiêu lưu mới, xa hơn và nhiều thách thức hơn.

Chuyện nghề thi công 4


Chuyện về Sao, một tính cách đa dạng, để nói về Sao rất khó, các bạn hãy hình dung một đoạn tự truyện của Sao đã từng viết và cho tôi xem. Chắc các bạn sẽ thấy rõ tính cách của Sao.
CÂU CHUYỆN CỦA BẠN SAO:
(Lời tựa) Ý thức của chúng ta vẫn đang trườn bò theo những mệnh đề đã có sẵn, nhưng có thể những mệnh đề ấy được xác lập vào rạng sáng ngày mai khi ta thức giấc. Con người, nhất là lớp trẻ đôi khi vẫn tự hỏi mình về cách sống, về khái niệm sống đích thực. Tuổi trẻ vốn chưa chín chắn và đôi khi những việc họ đã làm sẽ phải trả giá bằng chính bản thân. Họ có thể biết hoặc không biết về điều đó nhưng một điều chắc chắn hơn là họ sẵn sàng đánh đổi cả số phận để làm điều mình thích, muốn trải nghiệm và hết mình vì những điều muốn làm.
Cuộc sống không phải lúc nào cũng đầy ắp ý nghĩa và sự cố gắng, nó dứt khoát phải có điểm rơi và đôi khi nó quên mất là mình đang rơi… thanh niên trong cuộc sống hiện đại đang có sự đa dạng hoá trong lối sống và được thể hiện theo nhiều cách khác nhau. Ta có thể thấy những con người vùi mặt với công việc và lý tưởng sống hết sức cao cả bên cạnh những biểu tượng của thế hệ mới hoàn toàn bị ảnh hưởng bởi lối sống phương Tây không hoàn toàn triệt để. Và chính trong thời điểm giao lưu giữa cái cũ và cái mới, cái truyền thống và hiện đại đã hình thành một tầng lớp trẻ có luồng suy nghĩ khác xa với những giá trị cơ bản vốn được mặc định sẵn trong gốc rễ mỗi con người Á đông. Họ biết cách hưởng thụ, thậm chí rất sành sỏi và đôi khi vượt quá cả những giới hạn trong cuộc sống đến mức táo bạo mà họ cho rằng nó không còn phù hợp. Bên cạnh đó họ cũng sống và làm việc hết mình, muốn khẳng định được chính mình với sự tự tin về tri thức, cách nhìn nhận vấn đề, về cái tôi bản thân và họ cho đấy là cuộc sống thực sự có ý nghĩa. Không ai đánh giá họ, chính xác là không có ai được quyền đánh giá họ theo một góc nhìn phiến diện bởi cuộc sống vốn dĩ quá phong phú và đa dạng hiện tại sẽ không thể xác lập lên một hệ quy chiếu chuẩn cho người đánh giá lấy làm cơ sở. Hãy để chính tương lai của họ trả lời.

Nếu nói A là tình nhân của B thì người ta có thể hiểu A là người tình của B và nhỏ bé hơn B trên phương diện tình cảm. Vì vậy, nói về Vi, tôi sẽ nói chúng tôi là người tình của nhau. Rất sòng phẳng và bình đẳng. Vi kém tôi bốn tuổi nhưng rất ít khi gọi tôi bằng anh, thường thì Vi gọi tôi bằng tên và xưng em. Dường như cách xưng hô ấy có thể làm nhỏ đi cái tôi của Vi một cách rõ rệt. Cũng có đôi khi Vi dùng cách gọi ấy, và thật buồn cười đấy chính là lúc tôi nhận ra chúng tôi không phải là người yêu của nhau. Tôi làm trong lĩnh vực xây dựng, niềm tự hào của những tâm hồn mới lớn. Xây dựng quê hương đất nước, những con đường, những ngôi nhà cao cao mãi như trong một bài hát vẫn thường phát trên vô tuyến truyền hình. Nhưng có một điều chắc chắn là phụ nữ lúc nào cũng quan trọng, ngay trong cả cái ngành đầy vôi vữa bụi bặm và ồn ào toàn tiếng máy đủ loại. Từ những bản hợp đồng cho đến thanh quyết toán đều do những cô gái mặt thật xinh, có nụ cười duyên dáng và đôi chân dài hoàn tất. Việc còn lại là của những thằng kỹ thuật. Ra công trường, tóc dựng ngược, mặt đen như cột cháy hoặc vùi đầu với một đống khối lượng cát đá sắt thép và vô vàn bản vẽ. Chẳng sao cả, ai chả có một nghề để sinh sống. Hơn thế nữa, niềm tự hào của những tâm hồn mới lớn thì đúng là quá tốt. Vi là nhà thơ, thú thật tôi vẫn thấy đám nhà văn nhà thơ có cái gì khác thường. Nhưng Vi không có những biểu hiện ấy, ít nhất là trong khoảng thời gian chúng tôi bên nhau. Hoặc giả Vi đã cố gắng không biểu hiện nó để khoảng không gian nhỏ bé giữa chúng tôi không trở nên chật hẹp hơn.
Tôi cũng thực sự chưa hiểu được cả chính bản thân mình. Cổ điển, cũ rích lai tạp với hiện đại táo bạo. Mớ lý thuyết của ông Khổng Tử bên Tàu cách đây những hơn hai ngàn năm vẫn cuốn hút tôi. Nhưng đôi khi nó hơi rườm rà và tất nhiên mang cả sự hạn chế của thời điểm lịch sử. Và phương Tây mang lại sự bù đắp tuyệt hảo. Hệ tư tưởng khoa học, đề cao tính hiệu quả là những thứ không thể không có trong cuộc sống hiện tại. Có người nói đó là sự đa nhân cách khi họ thấy tôi trong một khoảng thời gian ngắn biểu hiện một cách rất khác nhau nhưng mặt đối lập, nhưng hệ tư tưởng và cách hành xử trái ngược nhau. Tôi thì không quen với nhưng từ ngữ véo von và khó hiểu ấy của dân xã hội. Thái nhân cách, chân tự do, hình thái biểu cảm… những từ ngữ chả mấy khi được dùng trong cuộc sống thường nhật thì có lẽ tốt nhất là không cần nhớ. Tôi đã quen với “đặt thép thưa vào”, “cốp pha thế thì làm gì bê tông chả rỗ”, “bọn A chó chết lắm”… Đấy là cuộc sống của tôi, nó phải biến đổi không ngừng theo những mặt khác nhau để chống trọi với thực tế.


Chuyện nghề thi công 3

CHUYỆN ANH THƯ:
Anh 40 tuổi, nét rắn rỏi pha lẫn phong trần bụi bặm. Làm nghề thi công xây dựng với anh dường như là phù hợp nhất. Trong giai đoạn đầu, thời tiết cuối tháng 8 đầu tháng 9, mưa nhiều. Các “sỹ quan” như chúng tôi buộc phải rút ra ngoài công trường thuê nhà ở tạm trong lúc dựng lán ổn định. Nói sỹ quan ở đây ra vẻ vậy, chứ chỉ là chỉ huy trưởng và tôi - quản lý phần giá, phần tiền và anh Thư già, chỉ vì anh già nên có chút nể nang, cũng được ra ngoài ở. Buổi tối nay, sau khi đã ăn ở công trường, chúng tôi ra quán uống nước. Công trường đang vào thời kỳ đầu, mưa nhiều nên tiến độ không gấp gáp, chúng tôi thường la cà ở các quán nước buổi tối. Lúc về nhà trọ, tôi và chỉ huy đi ngủ. Chợt thấy anh Thư kéo chiếu xuống đất, nằm dài thở từng vòng khói thuốc bay lơ lửng. Lại có chuyện đây, tôi thầm nghĩ. Cậu con trai cả anh, năm nay 18 vừa thi đại học. Giờ kết quả là thiếu 1 điểm để vào trường kiến trúc. Tôi hiểu trong anh có nỗi buồn nhen nhóm. Nó trong anh là một niềm hy vọng, dù chắc chắn sẽ vất vả hơn anh vẫn thích con mình thành sinh viên. Anh Thư học tại chức sau khi rời quân đội. Con người anh không mộc mạc. Từng trải và luôn đối phó với tình huống kinh tế không dư dả đã biến anh từ một người tốt tính (tôi khẳng định như thế) thành một người mang đậm tính toán. Nhưng mà cũng chả đến đâu, anh cũng có chút đầu óc nhưng ham chơi. Tuy ở tuổi 40 nhưng anh mang tính thanh niên 23. Cờ bạc, cà phê, thuốc lá, lô đề… và đôi khi cả chuyện mát xa tẩm quất. Đại loại là anh duyệt hết. Sự tính toán trong anh đã bị cái ham chơi nhầm tuổi làm hỏng bao lần. Rồi lập gia đình sớm, mọi thứ đè lên vai khiến toan tính của anh cũng khó thành hiện thực. Đôi khi, tôi thấy anh bất lực và mặc kệ. Nhưng anh vẫn là người cha có trách nhiệm với gia đình. Ở tuổi tứ thập nhi bất hoặc này, tôi nghĩ anh chả muốn tính toán xa hơn nữa ngoài việc đảm bảo cuộc sống gia đình và xây niềm tin vào đứa con vừa thi đại học. Đã vậy, anh còn có chị vợ hay ghen. Thực sự nếu không vì yếu tố kinh tế và vì đội trưởng gọi hẳn chị đến đề nghị nghiêm túc cho anh đi công trường, thì chắc anh không thể rời nhà mà xuống đây được.


Chuyện nghề thi công 2

Sang đầu năm 2007, khi được giao nhiệm vụ làm móng bê tông tuyến băng tải ra biển trong thời gian khá ngắn, khoảng 30 ngày. Trên quãng đường có bề rộng khoảng 9m và dài 1,3km này hàng ngày tôi thường xuyên đi lại mỗi buổi 4 lần, cả ngày là 8 lần, cụ thể khoảng cách là: 1km x 8 = 8km, chủ yếu để xem xét các anh em công nhân thi công lắp dựng cốt thép, cốp pha để đổ bê tông. Thực ra công việc không có gì làm vất vả lắm, một phần bởi tính chất kỹ thuật của hạng mục khá đơn giản, một phần chúng tôi đã chuẩn bị tương đối kỹ cho công việc. Trước kia không có con đường nào kéo dài ra vịnh như hiện nay, với thiết kế kè đá và đổ cát, đất lấn ra hơn 1km như hiện tại, con đường bỗng dưng thành bếp cập khá lý tưởng cho các hộ đánh bắt thủy hải sản trong vịnh. Hàng ngày trong quá trình thi công, tôi thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc với những người đi biển về. Nói đi biển cho có vẻ đúng không khí biển, thực ra ở đây, tại vịnh Bái Tử Long và Hạ Long, người dân thường nuôi cá, tôm bè hoặc ngăn chặn những vũng tự nhiên ở các hòn đảo nhỏ ngoài vịnh. Họ thường ra vịnh và vào bờ hàng ngày. Đối với dân thi công chúng tôi, việc đầu tiên là cảnh giác với những mối bất an tiềm tàng với vật tư, bởi đây là con đường độc đạo ra biển, việc thất thoát sắt thép hay cốp pha thép chỉ có thể xảy ra khi bảo vệ lơ là hoặc tệ hơn là chính bảo vệ của mình bán cho người đi thuyền. Tuy nhiên, việc giao lưu với họ là việc nên làm, làm thi công, dân vận là không thể bỏ qua. Thi thoảng họ cũng cho tôi vài con ghẹ vừa vừa, một vài đôi sam to bằng hai bàn tay. Bởi chúng tôi không phải là dân biển, nên những thứ hải sản tươi như thế dù chưa phải là đặc biệt cũng rất ngon lành. Một thói quen thường lệ khác của tôi và cũng là thú vui mới khi được thi công gần biển là bắt hà nấu mì tôm. Hà là động vật nhuyễn thể, có vỏ cứng, luôn gắn mình trên các tảng đá, vì con đường có kè đá hai bên nên chỉ cần bước xuống nước là đã nhìn thấy chúng rồi. Như phần trên đã nói, việc bước xuống nước ở đây nên thận trọng, là vì người đân đã đập vỏ hà và một phần vỏ còn lại sẽ rất sắc. Hồi mới xuống công trường, đồng chí trắc đạc đã phải trả giá bằng một vết xẻ toang máu khá dài ở chân. Người dân ở đây bắt hà rất chuyên nghiệp, họ mang một cái túi đựng, một que có đầu sắt để gõ vỡ lớp vỏ đá vôi, sau đó dễ dàng lấy con hà bỏ vào túi đựng. Tôi nhớ năm 2007, một kg hà có giá khoảng 80.000/kg. Lúc đó nhân công thuê làm cốp pha là 30.000 đ/m2 và lương kỹ sư như chúng tôi là 2,8 triệu cho 1 tháng. Trở lại chuyện xử lý hà của tôi, cuối mỗi giờ chiều, lúc khoảng hơn 4 giờ, sau khi đi lượt cuối xem xét công trình và trở về lán tạm, tôi sẽ cử đồng chí bảo vệ đi đập hà. Với khoảng thời gian 30’, ông ấy sẽ mang về 200gram. Số hà này là rất vừa cho việc nấu cùng với 2 gói mì tôm, một cho ông bảo vệ và một cho tôi. Thú thực đến giờ tôi vẫn nhớ vị ngọt của mì tôm nấu hà bằng một cái nồi đơn sơ, 2 cái bát cọc lệch và 2 đôi đũa được ông bảo vệ thủ sẵn cùng 2 gói mì tôm mỗi ngày mang ra từ lán công trường. Nó hơn bất cứ thứ nào như tôm nấu bầu, cá nấu rọc mùng, nước thịt luộc… Có lẽ nó mang hương vị của biển thuần túy và trong một không gian mẫu mực chỉ trời và màu xanh biển, nó sẽ là món tuyệt hảo. Một thú vui khác nữa là mang đèn đi soi cá, ghẹ, ốc ban đêm. Đèn pin sạc điện của công trường đôi lúc cũng không làm đúng nhiệm vụ bảo vệ, nó có nhiệm vụ đi theo cán bộ đánh bắt tăng gia. Mỗi buổi đi soi của chúng tôi thường kéo dài gần một giờ đồng hồ, men theo các kè đá sát mép nước. Thực sự tôi chưa bao giờ nghĩ con ghẹ lại có thể búng dưới nước nhanh hơn một con tôm như vậy. Nhìn thấy nó, soi đèn vào mắt, nó sẽ bị chói, nếu không nhanh tay để tóm nó, chỉ trong non nửa giây bằng một cử động khó có thể theo dõi, nó đã biến mất trong làn nước mờ mờ. Phải thú nhận là tôi chưa một lần bắt nổi một con ghẹ nào, một phần vì nó không dễ gặp, nhưng chủ yếu là tôi không đủ nhanh để bắt nó. Trong công trường, có một cậu làm cơ khí quê ở vùng biển, nên những con ghẹ mà chúng tôi bắt được là do cậu này ra tay. Khi ở Hà Nội hay đi ra biển vào các kỳ nghỉ, tôi đã ăn rất nhiều những con ghẹ cỡ 4 lạng, 5 lạng nhưng thực sự con ghẹ 1,5 lạng ở đây quá chắc và quá thơm ngon, hẳn là yếu tố tự nhiên 100% đã làm chúng tôi thấy nó thực sự ngon như vậy. Thường mỗi lần đi soi nếu may mắn được 2, 3 con ghẹ, một vài con mực hoặc bạch tuộc nhỏ còn nếu tệ nhất chúng tôi cũng có hẳn một nồi ốc. Ốc ở đây khá đa dạng, nhưng phần đa là ốc đắng, vị đắng nếu ăn quen từ lần thứ 3 thì thấy nó rất ngon. Ban đầu là vị đắng, đi qua cổ rồi thì lại thấy nó thơm và có vị đặc biệt. Nhất là trong đám đông 6, 7 người lúi húi sờ soạng, vứt vỏ loảng xoảng bên nồi ốc nóng và thời tiết lạnh đặc trưng của Bắc bộ.
Không biết tôi sẽ phải kể lể bao nhiêu nữa, vì mỗi công trình, mỗi vùng đất là bao nhiêu câu chuyện thú vị đọng lại và cần phải kể. Tôi sẽ kể chuyện tắm khoáng nóng ở thị xã Cẩm Phả, tắm nước lạnh tập thể trong tiết trời 12 độ C và vô vàn chuyện khác nữa. Như các bạn thấy, mới một công trình thôi, đã có quá nhiều thứ để nói rồi. Rồi một mai, chúng tôi lại bắt đầu một công trình khác, một sự bắt đầu khác và lại là những trang tiếp theo của câu chuyện. Tuy nhiên, câu chuyện ở Cẩm Phả vẫn chưa dừng lại, vì dường như nó chưa lột tả hết tính cách của từng chiến hữu của tôi.



Chuyện nghề thi công 1

Thi thoảng có thời gian rảnh rỗi, ghi lại một chút để lấy khí thế người làm thi công. Tuy nhiên, thực tế là em các bác giờ lại ko làm thi công trực tiếp nữa, chính vậy đôi khi thở dài, mà thở dài thì mới phải tâm sự 
Ai đó đã nói “cuộc đời là những chuyến đi”. Với nghề thi công chúng tôi, nó là những chuyến đi đích thực. Đầy nắng, gió, mưa bão và bao gian khổ khó khăn khác nữa. Trong những lúc ấy, mới thấy cuộc đời có nhiều ý nghĩa hơn bao giờ hết. Trong những lúc ấy mới thấy hết tình cảm chứa chan gắn bó của đồng nghiệp, đồng chí. Cùng chung một mục tiêu, cụ thể là một công trình thi công, là bao mảng đời khác nhau, từng tính cách khác nhau. Vậy mà gắn bó, kết hợp đến lạ kỳ. Bởi với nghề chúng tôi, không có sức mạnh nào mạnh hơn sự đoàn kết, thống nhất để hoàn thành mục tiêu chung.
Chúng tôi đổ bộ xuống mặt bằng vào một buổi chiều nắng gắt. Gương mặt ai cũng lấm tấm mồ hôi, cơ thể nhớp nháp bám dính lớp bụi. Có cảm tưởng như lửa hắt vào cơ thể từng đợt theo giây phút. Trên công trường, ngổn ngang một vài hạng mục triển khai sớm đã tập kết vật tư, vật liệu. Chủ yếu trên mặt bằng lổn nhổn những máy đóng cọc diesel đen xì cùng những tiếng nổ chát chúa theo từng nhịp búa. Đoàn chúng tôi có 4 người, hôm nay đi nhận bàn giao mặt bằng hạng mục. Thủ tục bàn giao diễn ra chóng vánh bởi phần việc này về phía Chủ đầu tư và đơn vị Tư vấn giám sát độc lập là giao một tờ giấy có toạ độ, cao độ các mốc chuẩn và đưa chúng tôi đến thực địa các mốc chuẩn đó. Đấy là khởi đầu cho một câu chuyện nghề thi công.
Cuối năm 2006, khi làm một dự án công nghiệp nặng ở vịnh Bái Tử Long, tỉnh Quảng Ninh, tôi và các đồng nghiệp thường xuyên bơi biển sau mỗi buổi làm việc. Chúng tôi thường bắt đầu công việc vào lúc 7 giờ sáng và hầu hết kết thúc vào lúc 17 giờ 30. Một số muộn hơn hoặc sớm hơn, tùy công việc mỗi người phụ trách. Công việc của một kỹ sư phụ trách thi công công trình khó mà sắp xếp kế hoạch hoàn hảo bởi nó chịu nhiều tác động khó lường và tính bán chuyên của nhân công kiểu Việt Nam. Tuy nhiên, việc bơi trên biển sau giờ làm việc lại là một kế hoạch dễ sắp xếp hơn. Chỉ cần leo qua bức tường bao quanh dự án, đi xuống mái kè đá, là đã chạm vào mép nước triều đang lên và cần cẩn thận với những vỏ hà sắc nhọn. Ở dưới nước nhìn lên tường rào, chúng tôi từng xác định thử xem tối đa mỗi lần bơi không nghỉ của mình được khoảng cách bao xa. Thử thách với chúng tôi là xác định khoảng cách từ ven bờ đến một trái núi là bao xa và mục tiêu là bao giờ bơi ra tới nó. Gọi là trái núi, nghe rất khiên cưỡng, nhưng thực tế, với các hòn đảo nổi trên vịnh Hạ Long hay Bái Tử Long, có một số quá nhỏ, đến nỗi dùng từ Trái Núi là hợp lý. Chu vi đường ngấn nước của một trong nhưng trái núi nhỏ này khoảng 64m, tức là bằng 0,04 dặm Anh (1 dặm Anh khoảng 1,6km). Và lần nào cũng là thất bại vì với mắt thường, khoảng cách có vẻ không xa nhưng chỉ bơi một lúc thì sức đã thấm mệt mà nhìn ra thì thấy mình chưa đến gần nó được đáng là bao. Một lần duy nhất chúng tôi đã bơi tới nó, chính là lúc triều xuống, khoảng cách từ mép nước tới trái núi này chỉ còn một nửa so với lúc bình thường, chúng tôi đã tranh thủ chọn cơ hội này để thành công trong việc sờ vào nó. Một thử thách khác tôi thường xuyên tự đặt cho mình là làm cách nào bơi 50 đoạn bổ trụ của tường rào, mỗi đoạn 6m và quay lại vị trí ban đầu, không nghỉ ngơi và để chân chạm đất. Khoảng cách là: 50x6x2 = 600 m, một khoảng cách tôi nghĩ phù hợp cho việc luyện tập sức khỏe. Một trò chơi khác các anh em trong công trường thường thách đấu nhau là lặn lâu dưới nước. Đến giờ tôi nhớ kỷ lục lần lâu nhất khoảng 83 lần đếm (1, 2, 3, …) tương ứng 83 giây đồng hồ.


Em

Em khó hiểu như đồ án đầu tiên
Mà lý thuyết đàn hồi anh không tính được
Mà bài toán đàn hồi thì em biết
Khó hơn nhiều với kết cấu bêtông
Khi nhìn em, em có biết không
Em như một sênô bằng thép
Một panel chữ U tuyệt đẹp
Một mái vòm yên ngựa có dây treo
Em đi rồi anh vẫn đứng trông theo
Một cần cẩu tự hành bánh xích
Em huyền ảo như công trình dưới nước
Những đường cong(ống) không thể nào thiếu được
Suốt cuộc đời anh biết tìm đâu.

Và khi anh lặn lội dưới tầng sâu
Tìm độ lớn cho delta tình cảm
Thì em hỡi bây giờ em có giám
Gắn với đời bằng liên kết hàn không
Nếu em bằng lòng thì liên kết bulông
Nội lực lớn nhưng giản đơn tính toán
Nào em biết rằng qua năm tháng
Em vẫn là dòng điện hình sin.

Với tình yêu cần phải có niềm tin
Tiến độ thi công em luôn giữ vững
Quĩ tiền lương em chẳng hề nao núng
Vào giá thành đưa tính toán không sai
Em đừng ngồi tình tự với ai
Anh mộc mạc bởi vì anh là gỗ
Thời đại thép bêtông không thể bỏ
Kết cấu công trình vẫn cần gỗ em ơi!

Và khi anh nói chuyện xa xôi
Anh nghỉ về em như toà nhà lắp ghép
Có mái vòm vỏ mỏng không gian
Em đừng lo khi chịu lực xô ngang
Anh sẽ đến bên em làm thanh căng hay gối tựa
Dù tải trọng đứng yên hay di động
Cũng không thể nào phá được đâu em.
-sư tầm-

Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

Tình đầu!



Ngày xưa tốt nghiệp cấp ba
Yêu đương nhăng nhít cả nhà can ngăn
Nhưng mà thế sự lằng nhằng
Em yêu em nói có thằng cu con

Giật mình tuổi trẻ quá non
Vài mâm tổ chức cỏn con gọi là
Một hôm nhà gái đến nhà
Chê nghèo chê khổ trả quà hủy hôn

Tình tan đổ vỡ tâm hồn
Thôi đành quyết chí đổ dồn công danh
Quyết thi cho được công thành
Kiếm tiền lập nghiệp để dành lại em

Bao năm vất vả bon chen
Mở mày mở mặt có phen lên đời
Tìm em đã mấy năm trời
Nhưng mà chẳng thấy từ hồi hủy hôn

Hôm nay bụng dạ bồn chồn
Có thằng cu bỗng gọi dồn hỏi thăm
Mở cửa nhìn nó chăm chăm
Chừng mười tám tuổi hỏi thăm tận nhà

Giật mình bỗng chốc nhận ra
Dáng da dáng dấp chính là mình đây
Đã thi đại học năm nay
Giờ con đã đỗ gặp thầy con thưa

Nước mắt bỗng chảy như mưa
Mừng mừng tủi tủi con vừa quê lên
Rằng thì ngày đó chưa quên
Rằng thì mẹ muốn cha nên học hành

Mẹ con biệt xứ loanh quanh
Bây giờ con lớn trưởng thành tìm cha
Nghẹn ngào gọi một tiếng ba
Giờ đây chẳng biết biết là làm sao...

Một bài thơ của thầy Phạm Xuân Tích - Giảng viên trường ĐH GTVT
(Một bài thơ rất hợp với các anh kỹ sư công trình)


Cùng với ca khúc Chị tôi: http://mp3.zing.vn/bai-hat/Chi-Toi-Bang-Kieu/ZWZ9Z7OO.html